 |
Air Mekong sẽ bán trên 8,5 triệu cổ phiếu cho đối tác ngoại. Ảnh: hangkhong. |
Đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải với Chính phủ được
đưa ra căn cứ vào đề xuất của Air Mekong hồi đầu năm. Cơ quan này thể
hiện quan điểm ủng hộ việc chuyển nhượng này và kiến nghị Chính phủ chấp
thuận, với lý do SkyWest chỉ là nhà đầu tư góp vốn kinh doanh thuần túy
và việc góp vốn sẽ tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành.
Theo đó, phía SkyWest sẽ mua 8,57 triệu cổ phiếu, tương đương với 30% cổ phần của Air Mekong theo hình thức "lời ăn, lỗ chịu".
"SkyWest mua 30% cổ phần của chúng tôi như những cổ
đông bình thường chứ không có bất cứ ràng buộc hay liên danh, liên kết
nào cả. Chúng tôi tuân thủ các quy định về việc bán cổ phần và mong rằng
Chính phủ sẽ đồng ý", Chủ tịch Air Mekong - Đoàn Quốc Việt, chia sẻ
trước một số ý kiến lo ngại về những sự cố có thể xảy ra liên quan đến
thương hiệu.
Theo ông Việt, việc bán 30% cổ phần sẽ giúp Air Mekong
có cơ hội tiếp cận một số công nghệ của SkyWest như bảo dưỡng, khai
thác, kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực. Trước mắt, Air Mekong sẽ tận
dụng đội ngũ phi công của tập đoàn này. "Chúng tôi không có bất cứ cam
kết gì về thay đổi biểu tượng. Các vị trí chủ chốt trong công ty, bộ máy
điều hành đều do người Việt quản lý", ông nói.
Việt Nam hiện có 6 hãng hàng không được cấp giấy phép
và tham gia thị trường nội địa, gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific
Airlines, Vasco, Indochina Airlines, Air Mekong và Vietjet Air.
Trong số này, có 2 hãng hàng không đã bán cổ phần cho
nước ngoài gồm Jetstar Pacific và Vietjet Air. Tuy nhiên, cả 2 hãng vận
chuyển này đều gặp khó khăn về vấn đề thương hiệu.
Nhà chức trách hàng không xác định thương hiệu mà Vietjet dự kiến sử
dụng để vận hành các chuyến bay thương mại trong và ngoài nước (Vietjet
AirAsia) có thể gây nhầm lẫn với hãng khác của nước ngoài. Tương tự,
Jetstar Pacific cũng phải đổi logo, sơn lại máy bay và hạ biển hiệu vì
bị cho là hình ảnh gây nhầm lẫn với hãng hàng không của Australia.
Chính vì những rắc rối này, mới đây, đối tác mua 30%
cổ phần của Vietjet Air là Hãng hàng không của Malysia (AirAsia) bày tỏ ý
định rút lại 30% vốn vì cảm thấy "không đủ kiên nhẫn" để chờ vấn đề
thương hiệu được giải quyết.
Air Mekong bắt đầu kinh doanh vận chuyển hàng không từ
ngày 10/10/2010, với 4 máy bay Bombardier CRJ900 trên 14 đường bay nội
địa từ Hà Nội và TP HCM đi Đà Nẵng, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Phú
Quốc và Côn Đảo.
Hãng cũng có kế hoạch phát triển thêm 10 máy bay mới
trong năm 2011, 14 máy bay trong năm 2012, 18 máy bay trong năm 2013 và
20 máy bay khác nữa trong năm 2014.
Theo Vnexpress